Tuesday, May 1, 2012

Giới thiệu sơ lược về giáo lý nhà Phật

Đạo Phật là một tôn giáo lớn của nhân loại; tác động của đạo Phật mang ý nghĩa rất lớn trong quá trình tiến bộ của con người và xã hội, và đã tạo nên nền văn hóa nhân bản theo tinh thần của xã hội Á Đông hơn 2.000 năm qua. Đạo Phật đã và đang chinh phục phương Tây một cách nhẹ nhàng đầy tính cảm hóa. Rhys Davids, giáo sư sử học, phát biểu: "Là Phật tử hay không là Phật tử, tôi đã quan sát mọi hệ thống của các tôn giáo trên thế giới, tôi đã khám phá ra rằng không một tôn giáo nào có thể vượt qua được về phương diện vẻ đẹp và sự quán triệt của Bát chánh đạo và Tứ diệu đế của Đức Phật. Tôi rất mãn nguyện đem ứng dụng cuộc đời tôi theo con đường đó"

Không dừng ở đây, người phương Tây còn hy vọng đạo Phật sẽ làm nền tảng cho tôn giáo của tương lai; nhân loại cần phải có một tôn giáo đáp ứng được nhu cầu sống còn và sự phát triển phù hợp với điều kiện mới của xã hội. Sự tiến bộ quá nhanh của khoa học kỹ thuật đã tạo ra những khủng hoảng xã hội, mất thăng bằng về sinh thái, về văn hóa, tâm lý, đạo đức... Albert Einstein, nhà vật lý học, cho rằng: "Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi phương diện trên, trong cái nhất thể đầy ý nghĩa. Chỉ có đạo Phật đáp ứng đủ các điều kiện ấy".
Đạo Phật có gì đặc biệt mà được sự thiện cảm và ca ngợi của con người thời đại? Có lẽ điều nổi bật là đạo Phật là một tôn giáo không có Thượng đế, một nền giáo lý không có giáo điều.
Đức Phật, tiếng Phạn gọi là Buddha, nghĩa là người Giác Ngộ, người Tỉnh thức, người đã tận diệt tham sân si, đã đạt được giải thoát viên mãn. Đạo Phật là con đường do Đức Phật tuyên bố, truyền đạt; con đường ấy đã được thực nghiệm, thực chứng. Vậy có thể nói rằng đạo Phật là phương thức sống, lẽ sống, lối sống để có được hạnh phúc chân thật, như Giám mục Milman nhận xét: "Tôi càng ngày càng cảm thấy Đức Thích Ca Mâu Ni gần gũi nhất trong tính cách và ảnh hưởng của Ngài; Ngài là đường lối, là chân lý, là lẽ sống".
Tính cách của Đức Phật được thể hiện qua các kinh điển còn lưu lại, cho thấy Ngài chỉ dạy những gì Ngài đã thực nghiệm, cần thiết cho đời sống thoát khổ. Do vậy, nội dung của đạo Phật không ở nghi lễ, triết học hay thần thoại, mà chính là ở trong lối sống, cách ứng xử đối với bản thân, giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên vũ trụ.
(Trích "Đạo Phật" của HT. Thích Viên Giác)





 CÁC QUY LUẬT
  1. Quy luật Nhân duyên (Dependent Origination): Phật giáo cho rằng, vạn sự vạn vật của thế gian đều tuân theo quy luật nhân duyên mà sinh diệt. Đức Phật dạy: “Chư pháp nhân duyên sanh, chư pháp nhân duyên diệt.” (Các pháp đều do duyên sanh, các pháp đều do duyên diệt). Cái gì gọi là nhân? Đó là nguyên nhân nội tại của sự vật. Cái gì gọi là duyên? Đó là điều kiện ngoại tại của sự vật. Đức Phật cho rằng, sự hòa hợp của nội nhân và ngoại duyên sản sinh ra vạn sự vạn vật, như khí Hydro và khí Oxy trong một điều kiện hòa hợp nào đó nó sẽ trở thành nước, mà nội nhân và ngoại duyên một khi đã ly tán thì vạn sự vạn vật tự nó sẽ không còn là nó nữa, như nước trong điều kiện phân ly nhất định nó sẽ biến thành khí Hydro và khí Oxy.

  2. Quy luật Vô thường (Impermanence): Đức Phật lại suy lý ra quy luật vô thường. Thế giới này, nghĩa là vạn vật thế gian không hằng thường. Những hiện tượng của thế giới tự nhiên như sanh, già, bệnh, chết của nhân loại, tất cả đều nằm trong sanh, trụ, dị, diệt. Một trái cây nhìn tựa như bất động, trên thực tế, nó đang trong thời kỳ biến hoại. Quả địa cầu chúng ta đang sống đây, sau vạn ức năm cũng có một ngày hủy diệt. Bản thân Phật giáo, đến một thời kỳ nhất định nó cũng sẽ không tồn tại, hoặc chỉ tồn tại dưới một hình thức khác. Danh vọng, địa vị và tiền tài cũng nằm trong quy luật đó. Vì thế, tồn tại hôm nay là hiện tượng của tạm thời, vận động và biến chuyển mới là bản chất của sự vật vĩnh hằng.

  3. Quy luật của Không (Emptiness): Từ quy luật vô thường Đức Phật lại suy ra quy luật của không. Vạn vật vốn vô thường, không thể nào trường cửu, đến một lúc nào đó nó cũng diệt vong, vì thế nên gọi là không. Không của Phật giáo, không không phải chỉ không tồn tại, mà là không tồn tại vĩnh hằng. Không thể đem cái không đó để lý giải là không của không như, cái gì cũng không của không. Có người cho rằng, tứ đại giai không là chỉ không tài, không sắc, không danh, không lợi. Đây là ngộ nhận. Sự thật là chỉ không của đất, nước, gió, lửa. Không của Phật giáo, trên thực tế là một loại chân như diệu hữu. Nếu chúng ta nói không lại có tồn tại của hình thức, mà hình thức này, hiện tượng này, có thể bị người đời lợi dụng. Chúng ta chỉ có thể giả mượn hiện tượng để truy tìm cái của bản chất, truy tìm cái thể tánh chân như của vạn pháp.

  4. Quy luật của Vô ngã (Non-self): Từ quy luật của không, Đức Phật lại suy lý ra quy luật vô ngã. Vạn sự vạn vật của thế gian này biến hóa vô thường, không tồn tại “cái ngã”, nếu có ngã, thì có thể gọi đó là chủ tể tự ngã. Tôi muốn như thế nào thì như thế nào, tôi muốn không bệnh, không chết, tôi muốn xuống đất, tôi muốn lên trời, tôi muốn một hơi uống cạn biển cả, nhưng chúng ta làm không được, chúng ta không có cách nào để tự mình nắm lấy tất cả. Chúng ta chỉ là một dạng hợp thành nhân duyên của ý thức và nguyên tố nào đó, khi nhân duyên tan rã thì bản thân chúng ta không còn tồn tại nữa. Chúng ta nói tất cả về ngã là giả ngã, chỉ là giả danh để xưng hô mà thôi. Do vậy có thể thấy, các pháp đều vô ngã. Vô ngã cũng tức là không có chủ tể. Tự ngã còn không có chủ tể thì làm sao chủ tể người khác. Và như thế, thế gian này cũng không có chủ tể.

  5. Quy luật Liên hệ: Từ quy luật của nhân duyên, Đức Phật lại suy ra quy luật liên hệ. Cho rằng, thế giới này, tất cả đều nhân duyên lẫn nhau, vũ trụ vạn hữu đều nằm trong một mối liên hệ khắn khít, kể cả nhân quả, nghiệp báo và luân hồi. Như một tấm lưới chỉ cần kéo một góc thì nó sẽ rung chuyển toàn bộ. Đức Phật dạy, không thể chỉ thấy cây mà không thấy rừng. Từ ý nghĩa trên, tức là giữa người với người, xã hội với xã hội, không nên thù hận, hiềm khích, gây chia rẽ lẫn nhau; mà nên tháo gỡ mọi gút mắc trong hòa hợp, hết lòng giúp đỡ lẫn nhau, cùng cam cộng khổ.

  6. Quy luật mạng tự ngã lập: Từ quy luật của nhân duyên, chúng ta có thể nhìn thấy quy luật mạng tự ngã lập, tức vận mạng của mình là do tự mình nắm bắt lấy. Sự vật đã do nhân duyên hòa hợp mà sanh ra, như thế, thay đổi nhân duyên, kết quả sẽ thay đổi tương ứng. Người tu Phật cũng vì muốn thay đổi nhân duyên, gây nhân tốt, tạo duyên lành thì sẽ làm biến đổi nhân duyên, thay đổi vận mệnh. Đức Phật phản đối bói toán, bởi lẽ , nhân duyên là tùy thời biến chuyển, như thế, làm sao có thể nói vận mạng đến từ một kết quả cố định?



THẾ GIỚI QUAN
Phật giáo cho rằng, vũ trụ, với thời gian là vô thủy vô chung, với không gian là vô cùng vô tận. Hàm nghĩa vô cùng vô tận này bao gồm, rộng đến vô lượng vô biên, nhỏ đến vô vi vô tế. Phật giáo quan niệm, quả địa cầu là một chấm nhỏ của vũ trụ, mà vũ trụ được định nghĩa là Tam Thiên Đại Thiên thế giới.
Tuy Đức Phật đã từng phân tích vũ trụ như vậy, nhưng Ngài phản đối mọi người lãng phí nhiều thời gian vô ích để thảo luận nó. Đức Phật nhận định, hiểu được vấn đề này không phải là nhiệm vụ cấp bách của người tu hành, mà nhiệm vụ cấp thiết nhất là tu trì để giải thoát. Ngài ví dụ: Một người bị trúng tên độc, việc đầu tiên là không phải đi hỏi mũi tên đến từ đâu, ai bắn, mà trước tiên nên nhổ mũi tên ra, trị vết thương, trừ độc; nếu trước tiên truy tìm nguồn gốc của mũi tên, như thế, nguồn gốc chưa tìm ra thì ta đã chết.
Phật giáo đem vũ trụ, tức Tam Thiên Đại Thiên thế giới phân ra thành hai, một mặt là thế giới phàm phu, nửa quả địa cầu của chúng ta; mặt kia là thế giới của các bậc hiền thánh, như cõi Tây phương Cực lạc. Đương nhiên, thế giới phàm phu sẽ có thể sinh ra thánh giả, và thánh giả của thế giới Tây phương không phải tất cả đều đến từ thế giới phàm phu.





NHÂN SINH QUAN 
- Mỗi chúng sanh đều có Phật tánh, đều có thể thành Phật, không có sai biệt. Lục tổ Huệ Năng đi cầu đạo Ngũ tổ Hoằng Nhẫn. Ngũ tổ hỏi: “Ông muốn gì?” Huệ Năng trả lời: “Muốn làm Phật.” Ngũ tổ hỏi lại: “Ông là người phương Nam quê mùa có thể thành Phật được sao?” Huệ Năng đáp: “Người có Nam có Bắc, lẽ nào Phật tánh cũng có Bắc Nam?”
 - Bản tánh con người là thiện, chỉ vì ô nhiễm cuộc sống xã hội mới dẫn đến biến thái, điều này tương đồng với quan điểm của Nho gia. 
 - Con người là do đất, nước, gió, lửa, không và ý thức cấu thành, một khi những nguyên tố này tan rã thì thân thể con người không còn tồn tại nữa, nhưng nghiệp lực con người thì không bao giờ mất đi. Nghiệp lực đó sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống đời sau của mỗi chúng ta. 
 - Sinh tử con người chỉ là một vỡ kịch ngắn trong dòng chảy trường kỳ của sinh mệnh, Phật giáo gọi đó là phân đọan sinh tử. Không phải khi ta chết thì tất cả đều kết thúc.

TỨ ĐẠI ÂN
1. Ân cha mẹ: những người đã có công sinh thành dưỡng dục mình khôn lớn.
2. Ân tổ quốc: nơi ta sinh ra và lớn lên.
3. Ân chúng sanh: nhờ có chúng sanh mà ta mới ý thức được sự tồn tại của mình và thử thách chính mình.
4. Ân tam bảo: Phật - Pháp - Tăng, ngọn đèn chỉ lối ta trên con đường tu tập thân tâm.



THẦN THÁNH TRONG PHẬT GIÁO


Thông thường, tôn giáo đều có một đấng chủ tể, nhưng Phật giáo thì không. Theo Phật giáo, Đức Phật không phải là đấng chủ tể, không là người vạn năng, cũng không là người cứu thế, Ngài không có quyền trực tiếp ban phước hay giáng họa. Nếu như thắp hương là để cầu Phật độ trì thăng quan tiến chức, phát tài phát lộc hoặc phát cái gì đó, như thế thì không thể nào thực hiện được. Thắp hương, dâng hoa chỉ là bày tỏ tấm lòng thành kính của chúng ta đối với Đức Phật, đồng thời học tập nơi tấm gương đạo hạnh của Ngài.
Nếu như Đức Phật vạn năng có quyền định đoạt mọi thứ, với tấm lòng từ bi của Ngài thì những đệ tử của Ngài đã siêu thăng từ lâu rồi, hà tất phải để đệ tử khắc khổ tu hành như vậy. Vì thế, Đức Phật không thể làm cho chúng ta siêu thăng hay đọa lạc. Theo Phật giáo, vận mạng chủ tể là do chính mình, do hành vi tự tạo của mỗi người. Mình tạo nhân gì thì gặt quả đó. Chúng ta tự mình mới là chủ nhân của chính mình. Và dĩ nhiên, vận mạng của mình thì tự mình xây dựng lấy. Mình chính là chỗ nương tựa đáng tin cậy nhất.
Đức Phật có thể cứu là tự cứu chính mình. Có câu chuyện kể rằng, Quan Âm Bồ Tát lần tràng hạt lâm râm niệm danh hiệu gì đó. Có người hỏi: Bồ Tát niệm ai vậy? Đức Quan Âm Bồ Tát trả lời: Niệm Quan Âm Bồ Tát. Vì sao? Vì cứu người chúng ta phải nên tự cứu mình trước. Đây chính là dạy người ai ăn nấy no, ai tu nấy chứng, như người uống nước tự mình biết nóng lạnh.
Như vậy, tin Phật để làm gì? Ngài dạy: Ta chỉ là vị thầy dẫn đường, chỉ ra phương hướng cho người lạc lối, là vị lương y xem bệnh để cho thuốc. Thế nhưng, bạn không mở to đôi mắt, không cử động đôi chân hoặc cử động đôi chân mà không chịu đi tiếp, cho nên bạn không thể ra khỏi đường mê, không đạt được mục tiêu mà bạn mong muốn. Bạn không chịu uống thuốc thì làm sao sức khỏe của bạn được phục hồi? Ngài từng ví dụ rằng, như một thanh củi trôi trên giòng sông, làm thế nào để trôi ra biển cả một cách thuận lợi? Như thế phải là, không dạt vào ven bờ, không chìm sâu xuống đáy nước, không bị người đời nhặt lấy, được như vậy thanh củi kia mới có thể trôi ra biển cả một cách thông suốt. Tác dụng của Phật pháp dạy bạn như thanh củi kia, làm thế nào để không dạt vào bờ, không chìm sâu đáy nước, không bị người đời nhặt lấy, để cuối cùng nhập vào đại hải mênh mông.




VẤN ĐỀ ĐỨC TIN
Tôn giáo thường xem trọng tín ngưỡng tuyệt đối, nhưng với Phật giáo thì không. Phật giáo phản đối tín ngưỡng mù quáng, sùng bái mù quáng; nhấn mạnh chánh tín, lý tín, không phản đối hoài nghi. Thiền tông cho rằng, “Đại nghi đại ngộ, tiểu nghi tiểu ngộ.”(Nghi nhiều ngộ nhiều, nghi ít ngộ ít.) Đức Phật muốn các đệ tử của Ngài nên nghi vấn Ngài, kiểm nghiệm Ngài. Ngài dạy: “ Các người khi nghi vấn Ta, kiểm nghiệm Ta, thấy đúng rồi học theo Ta, chỉ có như vậy người mới hiểu Ta là người giác ngộ hay chưa giác ngộ. Nếu các người phát hiện Ta chính là người giác ngộ thì lúc đó hãy tín ngưỡng Ta.” Đức Phật lại dạy tiếp: “ Các người nên dùng tai mắt của mình để nghi vấn Ta, xem Ta làm được những gì, nghe ta nói những gì, dựa vào đó, người có thể kiểm nghiệm tinh thần của Ta là thuần khiết hay không. Khi các người phát hiện Ta thuần khiết, như vậy, các người hãy tiếp nhận Ta.”
Ngài còn ẩn dụ: “Người thông minh thử vàng thì dùng lửa để đốt, dùng dao để chặt. Các ngươi nên kiểm nghiệm lời Ta nói, không nên vì tôn kính Ta mà tiếp nhận một cách mù quáng.” Trường hợp cho phép nghi vấn giáo chủ, kiểm nghiệm phong cách giáo chủ của Phật giáo, có thể nói là rất bao dung và vô cùng dân chủ. Trong Phật giáo, giáo chủ được xếp thứ hai, xếp thứ nhất chính là giáo nghĩa, cho nên Đức Phật lúc lâm chung Ngài dạy chúng đệ tử rằng: “Y pháp bất y nhân, y nghĩa bất y ngữ, y liễu nghĩa bất y bất liễu nghĩa.” (Theo chánh pháp không theo người, theo nghĩa lý không theo ngôn ngữ, theo sự hiểu biết chín chắn không theo sự hiểu biết sai lệch.)





PHẬT GIÁO & CHÍNH TRỊ


Đối với người quản lý đất nước, Đức Phật khuyên: lưu ý tu dưỡng bản thân, lấy đạo đức để phục vụ nhân dân, thanh liêm, nhân hậu, biết tôn trọng tự do tín ngưỡng, nhân cách hướng thiện, công chánh liêm minh, thu phục lòng người. Ngài dạy tiếp: tuy mất ngôi vị, nhưng không mất chánh pháp. Lấy đức trị dân, lấy pháp trị quốc, đức pháp phải vẹn toàn. Trong kinh viết: Vua Bạt Kỳ Quốc hỏi Đức Phật về cách trị nước an dân, Đức Phật đã khai mở cho ông ta 8 phương kế:
  1. Thường hay họp mặt để bàn bạc, chế định chính sách, giải quyết vấn đề, đồng nhất biện pháp.
  2. Lấy đoàn kết làm đại cục, quân thần trên dưới hòa thuận, lấy lợi ích quốc gia làm trung tâm.
  3. Bảo trì tính nghiêm túc của pháp luật.
  4. Tôn trọng người già, yêu mến trẻ thơ, ưu tiên người tàn tật.
  5. Bảo hộ phụ nữ, kiện toàn gia đình.
  6. Tôn kính nơi thờ tự như Đình, Miếu, Nhà Thờ, Chùa tháp v.v… xem trọng tôn giáo.
  7. Tôn trọng bậc tu hành, thánh nhân.
  8. Bảo vệ môi trường.
Đức Phật phản đối chiến tranh, cho rằng, tự chiến thắng mình mới là chiến công oanh liệt nhất. Ngài dạy: Chiến tranh là con đường dẫn đến khổ nạn. Sẽ không có người chiến thắng, chỉ có kẻ chiến bại, vì rằng người chiến thắng sẽ sinh kiêu ngạo, kẻ chiến bại sẽ sinh đau buồn. Có một lần, người của hai bộ tộc nọ vì tranh giành nguồn nước của một dòng sông mà dẫn đến tàn sát lẫn nhau, Đức Phật đến và hỏi họ rằng: “Nước quý hay máu của các người quý?” Bị hỏi như thế, người của hai bộ tộc giật mình thức tỉnh, không nói được lời nào, cuối cùng tỉnh ngộ không còn muốn đánh nhau nữa.
Phật giáo tuy phản đối chiến tranh, nhưng đề cao việc trừng phạt với kẻ phạm tội, tùy theo tình tiết phạm tội mà trừng phạt kịp thời.
(Nguồn: từ Internet)

0 comments:

Post a Comment