Friday, February 12, 2016

TỰ TÌNH QUÊ HƯƠNG 3

"Mỗi lần về lại quê hương,
Dòng sông bến nước nhớ thương vơi đầy,
An Giang Chợ Mới là đây,
Nơi tôi ôm ấp những ngày ấu thơ"
Đó là những câu thơ tôi dành tặng riêng cho nơi mà mình được sinh ra và lớn lên, một miền quê có dòng sông Tiền và dòng sông Hậu bảo bọc đôi bờ. Để rồi mỗi dịp xa quê, cũng chính dòng sông đã tiễn tôi rời đất mẹ đến với quê người. Và mỗi dịp trở về, cũng chính dòng sông vỗ sóng mừng tôi quay lại nơi xưa. Dòng sông gắn bó với những đứa trẻ ở quê từ những ngày nó nằm trên cánh võng nghe tiếng mẹ ru xen lẫn tiếng ghe tàu và tiếng sóng vỗ. Vì bao lẽ đó, chả trách sao dòng sông lại quan trọng với bao thế hệ người dân quê tôi đến thế. Khi mà tình cảm đong đầy trong tâm trí, dòng sông thoắt hóa thành nguồn cảm hứng cho những bài văn, điệu hát với những ca từ thân yêu nhất, như các sáng tác của nhà văn Nguyễn Quang Sáng và nhạc sĩ Hoàng Hiệp - những người con ưu tú của quê hương.
Mùa nước nổi, dòng sông tưởng chừng như vô tâm khi nhấn chìm làng xóm trong biển nước. Nhưng không hoàn toàn như vậy, dòng sông rất hữu tình khi mang đến cho dân quê một lượng lớn cá linh, bông súng và bông điên điển - những sản vật không phải mùa nào cũng có. Và không biết tự bao giờ, hình tượng bông điên điển bỗng trở thành nét đẹp dịp lũ về. Dịp ấy ở phương xa, những người con vùng lũ không khỏi xúc động khi nghe câu hát thuở nào cất lên: "thương bông điên điển, nghiêng mình nhớ đất quê". Cuối cùng thì con người và thiên nhiên đã hiểu và có tình cảm với nhau, để cùng sống chung và cứ thế hẹn gặp lại nhau mỗi năm.
Do sống ở nơi có nhiều sông rạch nên những đứa trẻ thường được người lớn dạy bơi rất sớm. Khi thì ôm mấy cái thùng mũ, khi thì ôm gốc chuối, đứa trẻ vừa ôm vừa đạp bì bõm mà tập từ năm này qua tháng nọ. Có đứa muốn mau biết bơi nên bèn đi tắt đón đầu, nghe lời tụi con nít trong xóm bắt con chuồn chuồn cho cắn rốn để biết bơi. Chuồn chuồn cắn muốn banh rốn mà phóng xuống nước vẫn chìm nghỉm, nước phù sa một họng, thôi đành ôm gốc chuối tập từ từ vậy. Khi biết bơi rồi, mấy đứa trẻ từ trên cầu nhảy đùng xuống sông tắm cho nước văng tung tóe, tụi nó cười nói hả hê rồi móc bùn chọi hết đứa này tới đứa nọ. Thỉnh thoảng trong nhóm có đứa nhỏ âm thầm ị bậy, cả đám bụm miệng bơi lấy bơi để chạy qua chỗ khác giỡn tiếp.
Theo năm tháng, dòng sông Tiền cần mẫn mang phù sa về cho cù lao Giêng quê nội, lâu ngày khúc sông được bồi đắp nhiều nổi lên thành cồn. Mấy ông bà lão cao tuổi thấy cồn nổi cứ hay bảo nhau 'coi chừng ông Năm Chèo dậy", trong đó ông Năm Chèo là một truyền thuyết ở vùng An Giang ám chỉ con cá sấu khổng lồ với năm chân. Mỗi khi có cồn nổi lên, bà con từ các nơi lân cận tụm năm tụm bảy đi ghe đi xuồng đến tắm cồn. Các quầy buôn bán cũng nhanh chóng được hình thành để phục vụ khách, nào là xe bán cà rem, đá mía, cóc ổi, cà na đến các quầy cho thuê bánh xi trẻ em. Mấy ông thợ chụp hình cũng ăn nên làm ra vì lúc này cái điện thoại di động hãy còn xa xỉ. Dưới sông cho đến trên bờ rộn rã tiếng nói cười, ghe xuồng đến tấp nập, người mua kẻ bán đông đúc chốc làm cho chốn quê yên ả bỗng thành náo nhiệt. Đâu đó còn có mấy đứa nhỏ mình mẩy lấm lem đem xô đi mò cua bắt ốc, đến khi mò được đầy xô, tụi nó hớn hở chạy khoe cùng đám bạn.
Bám trụ trên mảnh đất cù lao Giêng là những vườn cây trái sum suê, đa số là vườn xoài. Nhớ cái ngày tôi còn nhỏ theo cha về quê nội, đò vừa đến cù lao đã thấy những hàng xoài hai bên đường phủ bóng mát rượi cả đoạn dài hàng cây số. Có vườn thì phải cần nước tưới, thế là dân quê đào những con kênh để dẫn nước từ sông Tiền (hay còn gọi là sông lớn, sông cái) đến các xóm làng. Mấy đứa trẻ thường rủ nhau vô vườn kiếm lá dừa, lá chuối lợp lại chơi cất nhà chòi, sau đó ra bờ sông lấy lục bình về chơi bán bánh mì. Tốp này đang ở nhà chòi bán bánh mì lục bình thì tốp khác xuất hiện cầm mấy cây súng làm từ bẹ chuối bắn lạch cạch. Tốp bánh mì lục bình bèn lấy mấy bịch ni lông đựng nước ra đâm lỗ làm súng nước bắn lại. Bắn qua bắn lại một hồi, đội súng bẹ chuối mình mẩy ướt nhẹp chạy về nhà thay đồ. Miệt trên của cù lao Giêng là những công trình cổ nổi tiếng như Chùa Đạo Nằm và Nhà thờ Giêng. Không chỉ được trời phú cho sự xanh tươi màu mỡ, cù lao này còn là mảnh đất địa linh nhân kiệt với những văn nghệ sĩ, nhà ngoại giao, giáo sư và bác sĩ tài ba.
Từ cù lao Giêng qua thị trấn Mỹ Luông, đi theo con đường hương lộ 1 khoảng năm cây số rồi qua sông là đến cù lao Ông Chưởng. Cái tên "Ông Chưởng" là để chỉ ông Nguyễn Hữu Cảnh, xưa được chúa Nguyễn phong chức Chưởng cơ và ban tước Lễ Thành Hầu. Với công khai hoang lập ấp của ông, dân địa phương đã lấy tên Ông Chưởng để đặt cho mảnh đất quê nhà. Ngự tại cù lao này có khu Tây An Cổ Tự, nơi mà ngày xưa Đức Phật Thầy Tây An từng hành y giảng đạo để rồi sau đó sáng lập nên tôn giáo bản địa đầu tiên của An Giang: Bửu Sơn Kỳ Hương. Có thể nói giáo phái này là một sự đơn giản hóa và bình dân hóa đạo Phật, với điểm nhấn trong giáo lý đó là Tứ Ân (Ân tổ tiên cha mẹ, Ân đất nước, Ân Tam bảo và Ân đồng bào nhân loại). Về sau, Bửu Sơn Kỳ Hương được kế thừa bởi Phật giáo Hòa Hảo và trở thành tôn giáo chiếm phần đông dân số của cù lao Ông Chưởng ngày nay.
Có đi xa quê mới thấy trân quý hai tiếng "quê hương", mới hiểu thấu nỗi niềm của những người con khát khao được vẫy vùng trong sông nước của ký ức. Và cái tuổi thơ trong vắt tiếng nói cười bên dòng sông Tiền, sông Hậu thoáng chốc đã biền biệt lui vào dĩ vãng. Mỗi dịp về lại Chợ Mới, được ngắm nhìn dòng sông quê hương thôi đã là hạnh phúc lắm rồi. Dòng sông tôi đang ngắm cũng chính là dòng sông mà cha ông tôi đã từng ngắm, vẫn trẻ trung như thuở nào. Tiếng sóng tôi đang nghe cũng là âm thanh mà cha ông tôi đã từng nghe, vẫn dịu êm hàng năm tháng. Và cơn gió phảng phất nơi đây phải chăng cũng đang chất chứa hơi thở của cố nhân bao đời?
(Nguyễn Mỹ - 12/2/2016)

0 comments:

Post a Comment