LÂM KHU TRẢ LỜI LÝ THÁI TÔNG
Vạn vật không mà có, Có mà lại như không. Khi hiểu được điều đó, Người và Phật tương đồng. --- Lặng lẽ như trăng sáng. Hư ảo giống con thuyền. Hiểu được không và có, Suốt đời sống bình yên. (Lâm Khu, ? - 1063)
LỜI NHẮN NHỦ HỌC TRÒ TRƯỚC KHI CHẾT
Thu về không báo nhạn cùng bay. Cớ sao quyến luyến cõi đời này? Môn đệ đừng buồn ta sắp mất: Thầy xưa chết để hóa thầy nay. (Từ Lộ, ? - 1117)
CẢM HOÀI
Trí tuệ như trăng, sáng giữa trời, Bao trùm thiên hạ, chiếu muôn nơi. Muốn tìm được nó, đừng phân biệt Cả rừng phong hoặc lá phong rơi. (Kiều Phù, ? - 1173)
CHỢT TỈNH
Giữa "không" và "có" chẳng bao xa. Xưa nay sống chết - một thôi mà. Hoa nở năm nay - hoa năm ngoái. Trăng sáng bây giờ - trăng tối qua. Thấm thoắt "ba sinh" như gió thoảng. Tuần hoàn "chín cõi" kiếp phù hoa. Vậy sống thế nào là tốt nhất? Ma ha bát nhã, tát bà ha! (Tuệ Trung Thượng Sĩ, 1230 - 1291)
CU TRẦN LẠC ĐẠO
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên Cơ tắc xan hề khốn tắc miên Gia trung hữu bảo hưu tầm mích Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền. (Trần Nhân Tông, 1258 - 1308) Ở ĐỜI VUI ĐẠO Ở đời vui đạo hãy tùy duyên Đói đến thì ăn, nhọc ngủ liền Trong nhà có báu thôi tìm kiếm Đối cảnh không tâm chớ hỏi thiền (Thích Thanh từ dịch)
AI LÀ TÔI
Sóng nước chỉ là một thể thôi, Tùy duyên hiện tướng để vào đời, Vạn vật đều Không, Không mà Có, Ảo tưởng thấy rồi nước vẫn trôi. Cái Tôi ảo tưởng đã qua rồi, Hiện hình đổi xác chẳng là tôi, Phật-Ma Ma-Phật đều ảo ảnh, Có-Không Không-Có gió mây trôi. (Mật Nghiêm)
KHÔNG ĐỀ
Phật, Tiên, Hiền, Thánh tại lòng ta Xét thấu thì chung có một mà Tùy thuận chúng-sanh nhiều hạng bậc Pháp-môn huyền thiệt mới phân ba. (Vô danh)
KHÔNG ĐỀ
Thánh, phàm, Tiên, Phật khác chi nhau Tâm tánh hiền lành bước đến mau Nửa tiếng bội sư cùng phản đạo Ngàn năm như cá ở trong ao. Ma ma, Phật Phật, chính do ta ma, Phật, khác nhau chỗ chánh, tà Giác Phật, mê là ma đó vậy Chơn-như là Phật, vọng là ma. (Vô danh) |
DẠY BẢO HỌC TRÒ
Đời như nháy mắt, có mà không. Hết xuân rồi lại đến mùa đông. Đừng quan tâm lắm đời suy, thịnh, Vì đời bèo bọt, khói trên sông. (Sư Vạn Hạnh, ? - 1018)
CÁO TẬT THỊ CHÚNG
Xuân khứ bách hoa lạc Xuân đáo bách hoa khai Sự trục nhãn tiền quá Lão tòng đầu thượng lai Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận Đình tiền tạc dạ nhất chi mai (Mãn Giác Thiền sư) CÓ BỆNH BẢO MỌI NGƯỜI Xuân đi trăm hoa rụng Xuân đến trăm hoa cười Trước mắt việc đi mãi Trên đầu, già đến rồi Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết Đêm qua – sân trước – một cành mai. (Hòa thượng Thích Thanh từ dịch)
ÍT TRI ÂM
Ngày nay bàn đạo ít tri âm, Bởi đạo bây giờ đã mất tâm. Cũng giống Bá Nha không đàn nữa, Vì người nghe nhạc điếc và câm. (Chu Hải Ngung)
KỆ VỀ LẼ VÔ THƯỜNG
Sáng dậy, mặt trời mọc phía đông. Lát sau đã thấy đứng trên không. Mà người như thể đang mê ngủ, Không hay vạn vật vẫn xoay vòng. Hoa nở rồi tàn, hoa lại nở. Sự đời suy thịnh, có mà không. Sao chẳng tĩnh tâm ngồi suy nghĩ, Tự mình gây khổ, cứ long đong? (Trần Thái Tông, 1218 - 1277)
KIẾP NGƯỜI
Kiếp người - bọt sóng biển mênh mông. Sống chết tại thiên, chớ bận lòng. Nắng đẹp bình minh, chiều xạm tối. Mùa xuân lá mọc, héo mùa đông. Lã Vọng, Phan Lang đều chết cả. Thiên nhiên vạn vật cứ xoay vòng. Kiếp đời đã vậy, đừng than vãn. Về tây nắng ngả, nước về đông. (Trần Nhân Tông, 1258 - 1308)
KHÔNG ĐỀ
Các việc hư, nên bởi tại ta Phật, Tiên, Hiền, Thánh có đâu xa Lấ đuốc soi vào trong cảnh tối Dưới cội Bồ-đề thấy Thích-Ca. Học lần hai chữ giác và mê tỉnh giấc rồi mau đặng trở về Ngàn kiếp luân hồi vì cố chấp Muôn năm lặn hụp chốn sông mê. (Vô danh)
DẠI KHÔN
Làm người có dại mới nên khôn, Chớ dại ngây si, chớ quá khôn. Khôn được ích mình, đừng rẽ dại, Dại thì giữ phận chớ tranh khôn. Khôn mà hiểm độc là khôn dại, Dại vốn hiền lành ấy dại khôn. Chớ cậy rằng khôn khinh kẻ dại, Gặp thời, dại cũng hoá nên khôn. (Nguyễn Bỉnh Khiêm) |
0 comments:
Post a Comment