Friday, June 19, 2015

TỰ TÌNH QUÊ HƯƠNG 1 - NHÀ THƯƠNG MỸ LUÔNG


Quê hương tôi ngày một đổi thay, cái bệnh viện Mỹ Luông ngày nào nay đã thành khu Trung tâm thương mại nhộn nhịp. Hai mươi mấy năm về trước, tôi đã cất tiếng khóc đầu đời tại nơi này. Và cũng chính bởi cái tuổi thơ "nay ốm mai đau" mà cái bệnh viện Mỹ Luông đã thành nơi cho tôi nhiều kỷ niệm không thể nào quên.



Hồi nhỏ, người lớn chỗ tui hay kêu nơi này là "nhà thương", "khu vực" hoặc "bịnh viện". Cái từ "khu vực" là do họ kêu tắt từ tên gọi chính thức: "Phòng khám khu vực Mỹ Luông". Còn cái từ "nhà thương" khi ấy cứ làm tôi thắc mắc mỗi lần nghe nhắc tới, tôi cứ thầm nghĩ đó là cái nhà điều trị cho người bị thương, cũng có lúc tui nghĩ đó là cái nhà biết thương người nằm trong nó. Con nít mà, muốn nghĩ sao thì nghĩ!

Theo trí nhớ của tôi, khu bệnh viện xưa có 3 dãy. Dãy bên trái là nơi khám bệnh, khu nhà chính ở giữa là các giường bệnh nội trú, còn dãy bên phải là nhà bảo sanh. Nhớ mỗi lần bị bệnh, ba mẹ ra chợ mua thuốc cho tôi uống. Qua vài ngày mà vẫn không bớt, ba liền xách xe đạp chở tôi đi bệnh viện để tìm bác sĩ Phẩm, y sĩ Thúy,... Ngồi trên xe đạp, sợ té nên tay tôi bấu chặt cái yên xe, còn mặt mày thì xanh rờn, buồn xu xị, ba nói "Ráng đi, gặp bác sĩ là hết bịnh liền!". Bác sĩ gặp tôi nào là nựng, nào là nói chuyện rất ngọt, sau một hồi hỏi ba tôi, họ liền lấy các lọ thuốc và ống chích ra. Thấy tôi sợ, bác sĩ nói "Ráng chịu đau chút nghen con, như bị kiến cắn đít chút thôi". Nghe thấy mấy đứa nhỏ xung quanh vừa khóc vì bị chích thuốc, tôi cũng sợ. Nhưng thấy ba đứng kế bên nên tôi đỡ sợ chút, thế là nhắm mắt, cắn răng, miệng mếu chịu đau cho bác sĩ chích. Chích thuốc về, mẹ cà thuốc với nước, thêm chút đường cho bớt đắng để tôi dễ uống. Thuốc tới miệng là tôi ráng nuốt cái ực cho hết, vì mùi thuốc có ai mà thích.

Đó là những lần bệnh vừa vừa. Còn những lần tôi bị sốt thương hàn nặng, ba mẹ tôi phải bỏ công ăn việc làm mà đưa tôi vào bệnh viện vô nước biển và nội trú vài ngày. Tôi còn nhớ như in những lần vô nước biển, cô y tá lấy kim đâm vào cổ tay tôi đau điếng làm tôi khóc ròng rã. Thấy tôi khóc, cô cười híp mắt nói "Chích xong cô cho con viên kẹo ngậm bự ngon lắm, đừng khóc con hén!". Nghe cô nói thấy mà ham, tôi khóc ít lại và chờ cô lấy kẹo ra cho tôi ngậm. Mỗi ngày tôi nằm viện, mẹ nấu cháo thịt bằm cho tôi ăn, dù bệnh không thèm ăn bất cứ gì nhưng cháo mẹ nấu lại làm tôi cảm thấy ngon và thèm ăn.

Và rồi một ngày nọ chạy chơi cùng bạn ở bệnh viện, tôi đi ngang qua dãy nhà bảo sanh. Nghe tiếng em bé khóc oe oe, tôi tự hỏi liệu hồi đó mình có khóc nhiều vậy không? sao mấy bà bầu ai cũng bị sưng bụng? mấy em bé mới đẻ sao đứa nào cũng khóc? Còn đang tò mò nhiều thứ thì có cô y tá đến bảo "Đi chỗ khác chơi đi các con". Thế là cả đám chạy ra khoảng sân đất cây cối um tùm phía sau bệnh viện để coi ghe thuyền chạy trên sông Tiền.

Tuổi thơ cứ thế trôi qua, mang theo những kỷ niệm không thể nào quên với cái "nhà thương Mỹ Luông" thuở nào. Nơi đó, tôi được yêu thương bởi cả người thân lẫn người xa lạ. Với tôi lúc ấy, các y bác sĩ như ông thần bà thánh, còn mấy cô y tá như tiên nữ vì sự tận tình và đôn hậu của họ.

(Nguyễn Mỹ - 19/6/2015)

0 comments:

Post a Comment