Theo dòng chảy của thời gian, diện mạo quê hương tôi ngày một đổi mới. Những con đường đất ngày nào thay
bằng đường nhựa, những xóm vắng với cây cối um tùm thay bằng khu dân cư nhà cửa san sát nhau, bến đò hôm
nao thay bằng chiếc cầu kiên cố,... Chỉ có dòng sông Tiền là ít đổi thay nhất, vẫn con nước ròng con
nước lớn theo mùa, vẫn là nơi tắm mát tuổi thơ cho bao thế hệ quê mình.
Những năm 1990, huyện đội Chợ Mới đóng tại xã Mỹ Luông, gần nhà ngoại tôi. Tụi con nít thường hay ra vào khu đó chơi đùa, nào là nhảy dây, chơi năm mười (trốn tìm), cá mập lên bờ, bắn đạn, tạt lon,... hoặc cùng nhau lẩn quẩn dưới mấy bụi me mà lượm me dốt. Nghịch ngợm hơn nữa là hái trái nổ quăng xuống hầm cá tra cho nó nổ lóc bóc để dọa cá. Nhiều người đi lính ở đây còn quen được các cô gái ở xóm và nên duyên chồng vợ sau khi xuất ngũ.
Những năm 1990, huyện đội Chợ Mới đóng tại xã Mỹ Luông, gần nhà ngoại tôi. Tụi con nít thường hay ra vào khu đó chơi đùa, nào là nhảy dây, chơi năm mười (trốn tìm), cá mập lên bờ, bắn đạn, tạt lon,... hoặc cùng nhau lẩn quẩn dưới mấy bụi me mà lượm me dốt. Nghịch ngợm hơn nữa là hái trái nổ quăng xuống hầm cá tra cho nó nổ lóc bóc để dọa cá. Nhiều người đi lính ở đây còn quen được các cô gái ở xóm và nên duyên chồng vợ sau khi xuất ngũ.
Con đường phía trước huyện đội là trục đường chính của Chợ Mới lúc bấy giờ, nối từ miệt Cái Tàu Thượng
qua Mỹ Luông cho đến huyện lỵ. Vì là trục đường chính nên rộng rãi và dễ đi hơn, các con đường còn lại
đều là đường đất, mùa mưa đến là bùn sình lầy lội, đi tới đi lui phải xắn ống quần lên tới đầu gối. Nhiều
đứa con nít ở xóm chờ mưa đến là cởi truồng tắm mưa, chạy giỡn hả hê cùng đường cuối xóm. Những đêm sau
cơn mưa, tiếng ễnh ương kêu văng vẳng ru hời giấc ngủ trẻ thơ.
Huyện đội đi xuống chút là chợ Mỹ Luông, nơi mua bán cho xã Mỹ Luông và cả các xã lân cận. Tại sao lại
gọi là 'đi xuống'? Vì bà con miệt đồng bằng sông Cửu Long lấy các con sông lớn (ở chỗ tôi là sông Tiền)
làm chuẩn, theo đó hướng đi từ thượng nguồn đến hạ nguồn được gọi là hướng 'đi xuống', ví dụ như Chợ Thủ
xuống Mỹ Luông. Hướng ngược lại gọi là hướng 'đi lên', như Chợ Mới lên Phú Tân. Còn hướng vuông góc với
con sông thì chỉ gọi là 'đi qua', như Mỹ Luông qua Bà Vệ. Hồi nhỏ, tui thường theo bà ngoại ra chợ Mỹ
Luông bán thuốc Tàu, ngoại ngồi bán, tui thì ngồi chơi nhìn người qua lại, thỉnh thoảng chạy lại quầy ăn
uống coi người ta làm bánh khọt, bánh bông lan để rồi xin tiền ngoại mua ăn cho đã thèm. Chợ Mỹ Luông
rất rộng, kéo dài từ trục đường chính cho tới tận sông Tiền. Khu mặt tiền là các xe bán bánh mì, nối
tiếp sau đó là các sạp hàng hóa, tiệm chụp hình, tiệm đồ chơi trẻ em,... Khu chợ giữa là khu ăn uống,
nhà thuốc, tiệm vải,... ngoại tui ngồi bán ở khu này, nơi có dãy nhà của những người Ba Tàu, bánh bao
của họ làm bán rất đắt và tui cũng thường ăn. Tiếp theo là khu bán thịt. Và gần sông Tiền nhất là khu
bán cá vì thuận tiện cho việc vận chuyển từ bè lên. Bè cá gắn với những ngôi nhà nổi trên sông, những
ngôi nhà này vẫn như mọi ngôi nhà bình thường khác ở trên cạn, tuy nhiên, phía bên dưới nhà nổi là nơi
để nuôi cá được rào lại bằng lưới.
Đến năm 2007, Trung tâm thương mại chính thức thay thế khu huyện đội cũ. Và rồi theo năm tháng, quê
hương trở nên nhộn nhịp hơn với những công trình mới xây. Đâu đó trong cuộc sống hối hả, ký ức về những
ngày xưa thỉnh thoảng lại tìm về trong tôi. Đó là những đêm leo lét bên ánh đèn dầu tôi nằm nghe ngoại
kể chuyện, chợt những tiếng rao "Bánh mì nóng giòn đây" của mấy đứa nhỏ ở xóm chợ vang lên, ngoại nghe
thấy liền nói với tôi: "Bà mua bánh mì cho con ăn nghen!", tôi híp mắt cười và nói "Dạ, ngoại mua đi!".
(Nguyễn Mỹ - 18/7/2015)
0 comments:
Post a Comment