Chợ Mới, nơi mà tôi đã sinh ra và lớn lên...
“Lung linh
bóng nước con đò
Nhớ sao Chợ Mới câu hò thủy chung
Quê tôi miền đất anh hùng
Hôm nay vẫn đẹp vô cùng ai ơi!”
Miền quê sông nước nằm giữa đôi
dòng sông Tiền, sông Hậu ấy chính là nơi đã khai sinh ra
chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của đất An Giang, cũng chính
là nơi đã lưu dấu tuổi thơ của nhiều người con kiệt xuất quê
nhà. Dẫu có đi đâu về đâu, làm sao tôi có thể quên được
mảnh đất thân thương tự thuở nào, nơi đã hằn in trong tôi
một dấu ấn thiêng liêng mà tôi vẫn thường nâng niu và hãnh
diện.Nhớ sao Chợ Mới câu hò thủy chung
Quê tôi miền đất anh hùng
Hôm nay vẫn đẹp vô cùng ai ơi!”
Nhắc đến Chợ Mới, người ta vẫn thường hay nhắc đến một vị tướng có công đầu trong việc mở mang bờ cõi phương Nam, đó là Nguyễn Hữu Cảnh, cháu 9 đời của Nguyễn Trãi. Vào năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu cử ông vào Nam thiết lập chính quyền. Thuở xưa, vùng An Giang còn là một nơi hoang vu. Với chính sách kêu gọi dân nơi khác đến khai thôn lập ấp của Nguyễn Hữu Cảnh tại Cù lao Cây Sao, chốn này đã bớt bề hiu quạnh. Không lâu sau, ông đã trở bệnh và kéo quân về đến Mỹ Tho thì mất.
Để ghi nhớ công đức của ông, người dân quê tôi đã gọi cù lao Cây Sao là Cù lao Ông Chưởng, tức Chưởng cơ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Ở Chợ Mới hiện có nhiều đình miếu, dinh thờ ông như Dinh Ông ở thị trấn Chợ Mới, đình làng Long Kiến, đình làng Mỹ Luông,…
Hằng năm, đình làng địa phương thường có ngày lễ gọi là “Thỉnh sắc”. Vào ngày này, những đoàn xe lũ lượt nhau đi khắp các nơi trong huyện để diễn lại cảnh nhận sắc phong Chưởng cơ Lễ thành hầu của Nguyễn Hữu Cảnh. Trên các xe lớn là những nghệ sĩ được hóa trang theo kiểu cung đình, múa lân, đội kèn, nhóm lão làng và hàng trăm xe với rất nhiều người cùng trẩy hội. Ngày thỉnh sắc, đình làng trở nên đông đúc với người lớn và trẻ em đến vui chơi, xem hát và cúng bái.
Về nguồn gốc của tên gọi Chợ Mới, tương truyền rằng ngày xưa có ngôi chợ cũ tên Phó Định Bài nằm ở bên kia bến đò Kiến An. Về sau, một ngôi chợ khá bề thế được xây dựng tại huyện lỵ ngày nay và được người dân gọi là “Chợ Mới”. Năm 1907, chính quyền thuộc Pháp thành lập đơn vị hành chánh cấp huyện lấy luôn tên là “Chợ Mới”. Từ đấy, Chợ Mới trở thành danh xưng một huyện của tỉnh An Giang. Hiện huyện Chợ Mới có 2 thị trấn là Mỹ Luông, Chợ Mới và 16 xã. Đây là nơi có dân số đông nhất tỉnh An Giang, mật độ dân số chỉ đứng sau Long Xuyên và Châu Đốc.
Một trong những nơi trù phú nhất quê tôi chính là thị trấn Mỹ Luông. Được thành lập từ năm 2003, thị trấn trẻ ngày một hưng thịnh và lớn mạnh. Những dãy phố dọc ngang với cửa nhà san sát xen lẫn cây cối, đường sá tấp nập xe cộ đã tạo cho Mỹ Luông nét riêng của một thị trấn nằm bên dòng sông Tiền. Người dân các xã lân cận thường đến Mỹ Luông để mua sắm vì nơi đây có hệ thống chợ, trung tâm thương mại và ngân hàng sung túc nằm ngay trung tâm huyện. Mỗi sáng, người mua kẻ bán đông đúc, thuyền ghe các nơi đỗ về bến chợ mới vui làm sao. Nhớ hồi nhỏ, tôi thường theo ngoại tôi ra chợ bán thuốc Tàu, tôi đã thật sự bị cuốn hút bởi những món ngon như bánh xèo, bánh khọt,… Ở chợ Mỹ Luông còn có dãy nhà cổ của gia tộc người Hoa. Tôi thường đến đó mua bánh bao và ngẩn người khi nghe họ nói tiếng Tàu với nhau. Nhớ có lần tôi còn được đi xem các bè cá nuôi ở chợ, biết bao là cá tranh nhau nhảy lạch bạch làm nước tung tóe lên khắp cả người. Mỹ Luông còn có những ngôi chùa, nhà thờ và đình làng khá khang trang để phục vụ cho các ngày lễ hay các hoạt động tôn giáo địa phương. Sắp tới đây, thị trấn này sẽ có thêm trung tâm giải trí và cầu dây văng vượt sông Tiền.
Mỹ Luông còn là quê hương và là cái nôi văn học của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Ông sinh ngày 12/01/1932 và tham gia kháng chiến khi vừa mới lớn. Ngoài viết văn, ông còn thành công ở mảng viết kịch bản phim. Năm 1981, kịch bản phim “Cánh đồng hoang” của ông đã vinh dự đạt được huy chương vàng liên hoan phim Matxcơva. Năm 2000, ông được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Trong nhiều tác phẩm như Dòng sông thơ ấu, Nhà văn về làng, Nguyễn Quang Sáng vẫn thường hay nhắc đến quê hương nguồn cội của mình. “Làng tôi là mối đường cho cả một vùng của huyện Chợ Mới. Những làng xung quanh, ai muốn đi Sài Gòn cũng phải đến chợ làng tôi để đón tàu. Ngày nào tôi cũng nghe tiếng còi tàu, tiếng kèn xe hơi và tiếng vó ngựa gõ trên mặt đường. Muốn đi Sài Gòn phải qua bắc Mỹ Thuận, cách Sài Gòn gần hai trăm cây số, nhưng có thể nói Sài Gòn có cái gì thì làng tôi có cái nấy. Không có một đoàn hát nổi tiếng nào không về chợ làng tôi. Làng có trường gà, đôi ba năm lại có hội chợ. Có cả sân banh cho đội bóng chân giày. Nhà cách mạng Châu Văn Liêm là người xây dựng Chi bộ cộng sản đầu tiên tại làng Long Điền, giáp ranh với làng tôi. Để hoạt động cách mạng, nhà cách mạng lão thành Châu Văn Liêm đã tổ chức một đội bóng đá gọi là đội Mỹ Long, đội bóng của hai làng Long Điền và Mỹ Luông nhập lại, cha tôi là thủ quân.
Tôi kể về cái làng của làng tôi hơi nhiều vì đó là nơi chôn nhau cắt rún, vừa là quê hương văn học của tôi. Hầu như tất cả các nhân vật của tôi, tôi đều đưa họ về sống ở làng, cho "họ" tắm sông Cửu Long, cho "họ" đi trên con đường giữa vườn xoài, cho "họ" ngồi xuồng mùa nước lũ, cho "họ" hít thở cái không khí của làng... rồi sau đó "họ" mới bước vào trang giấy thành nhân vật của tôi. Người nào cũng mang ít nhiều màu sắc của một làng bên bờ sông Tiền.”
Thị trấn quê tôi có một ngôi trường mang tên một nhà cách mạng nổi tiếng, trường trung học phổ thông Châu Văn Liêm, ngôi trường có quy mô đào tạo hàng đầu của huyện. Châu Văn Liêm sinh năm 1902 tại Ô Môn, Cần Thơ. Trong quá trình hoạt động cách mạng tại vùng Chợ Mới, ông đã mở nhiều lớp bình dân học vụ cho người dân. Năm 1926, tại sân banh Mỹ Luông, Châu Văn Liêm đã tổ chức lễ truy điệu cụ Phan Châu Trinh và kêu gọi lòng yêu nước của quần chúng địa phương. Để ghi nhớ công ơn ấy, trường trung học Mỹ Luông đã lấy tên ông đặt cho tên trường. Ngoài ra, Mỹ Luông còn là quê hương của linh mục Trương Bửu Diệp.
Có một địa danh mà từ lâu đã trở thành niềm tự hào của người dân Chợ Mới, An Giang, đó là Cột dây thép.
“Cột dây thép Long
Điền trông mạnh mẽ
Trang sử vàng đẹp đẽ đến ngàn sau
Nơi đầu tiên thành lập Đảng hôm nào
Nơi ghi lại những phong trào sôi nổi.”
Trang sử vàng đẹp đẽ đến ngàn sau
Nơi đầu tiên thành lập Đảng hôm nào
Nơi ghi lại những phong trào sôi nổi.”
Ở Chợ Mới có hai cột dây thép, một ở bên này sông Tiền thuộc xã Long Điền A, một ở bên kia sông thuộc xã Tấn Mỹ là phương tiện thông tin liên lạc cho chính quyền thuộc Pháp ở địa phương. Cuối tháng 3/1930, các đồng chí Lê Văn Sô, Lưu Kim Phong được Đặc uỷ Đảng Cộng sản Việt Nam hồi ấy cử về Long Xuyên phối hợp với đồng chí Nguyễn Văn Cưng tiến hành tuyển chọn người vào Đảng. Ban chấp hành Lâm thời của tỉnh cũng được thành lập và tích cực tiến hành xây dựng các chi bộ Đảng. Tỉnh chọn Chợ Mới làm điểm phát triển tổ chức, vì nơi đây có phong trào cách mạng mạnh, có cơ sở Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội rộng khắp, là nơi tập trung đông đảo nông dân, thợ thủ công, trí thức sớm có tinh thần chống Pháp và tay sai.
Tháng 4/1930, Đặc uỷ Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành thành lập Chi bộ Đảng xã Long Điền, Chợ Mới gồm 3 đồng chí là Lưu Kim Phong, Bùi Trung Phẩm và Đoàn Thanh Thuỷ. Đây là Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Long Xuyên hồi ấy (tức An Giang ngày nay). Trước niềm hân hoan khi đất quê hương có Đảng soi đường, một quần chúng yêu nước tên là Lê Văn Đỏ đã treo lá cờ đỏ búa liềm lên Cột dây thép giăng qua con sông Tiền làm thực dân Pháp bàng hoàng, lúng túng. Sau đó, cờ Đảng được tiếp tục treo ở nhiều nơi trong huyện Chợ Mới.
Ngày 24/8/1945, huyện Chợ Mới được giải phóng khỏi ách thống trị của thực dân Pháp. Từ đó, Cột dây thép đã trở thành điểm nhấn trong lịch sử đấu tranh của Đảng bộ tỉnh An Giang.
Trong kháng chiến chống Mỹ thống nhất đất nước, vùng Tây An cổ tự (nay thuộc xã Long Giang, Chợ Mới) là địa phương được giải phóng cuối cùng của cả nước vào 15 giờ chiều ngày 6/5/1975. Cuộc chiến tranh Việt Nam đặt dấu chấm hết từ đây.
Ngoài cù lao Ông Chưởng, ở Chợ Mới còn có cù lao Giêng, một mảnh đất chân quê với nhiều công trình kiến trúc tôn giáo đặc sắc. Cù lao Giêng gồm 3 xã là Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân. Qua bến đò Mỹ Luông, các bạn sẽ đến với quần thể kiến trúc Thiên chúa giáo ở xã Tấn Mỹ. Nổi bật nhất quần thể này là Thánh đường Cù lao Giêng, được xem là ngôi nhà thờ cổ nhất Nam bộ và lớn nhất miền Tây. Ngôi thánh đường được linh mục người Pháp Gafignol cho khởi công xây dựng từ năm 1875. Mãi cho đến 12 năm sau, tức năm 1887, ngôi thánh đường mới được hoàn thành. Thánh đường Cù lao Giêng được xây dựng theo kiến trúc của Pháp, mặt trước là hoa viên cây cảnh, mặt sau là khu mộ họ đạo, bên trái là nhà cha sở và nhà sinh hoạt họ đạo. Từ tầng 5 của thánh đường, bạn có thể nhìn thấy khắp một vùng đất trời Chợ Mới, cảnh vật quê hương trải ra trước mắt mới xinh đẹp làm sao. Bên dưới là khuôn viên nhà thờ và xã cù lao Tấn Mỹ, xa xa là dòng sông Tiền lững lờ trôi, xa hơn nữa là thị trấn Mỹ Luông trù phú xanh tươi. Cả quê hương như lắng đọng trong tầm mắt làm cho bất kỳ ai cũng thêm yêu da diết mảnh đất quê nhà.
Một thắng cảnh nổi tiếng khác cũng ở xã Tấn Mỹ, đó là Thành Hoa Tự hay còn được gọi là Chùa Đạo Nằm. Chùa do một vị sư có pháp danh là Tịnh Nghiêm ở Đồng Tháp đến đây xây dựng vào năm 1953. Ông tu hành theo kiểu khác thường là “ngọa thiền”. Suốt 9 năm trời, ông phỗng theo tư thế nằm của Đức phật Thích Ca để tu thiền nên được gọi là “cửu niên diện bích”. Bên trong Chùa Đạo Nằm là các tượng Phật được điêu khắc khá tinh nhuệ và các bức vẽ kể lại cuộc đời của Đức Phật Thích Ca. Bên ngoài khu mộ của sư Tịnh Nghiêm được trang trí bởi các hình tượng rồng và hoa sen. Điểm đặc biệt đáng nói ở đây là các họa tiết này đều được làm từ các mảnh vỡ của chén kiểu ghép lại. Hằng năm, cứ khoảng rằm tháng 2 âm lịch, khách thập phương thường tập trung đông đúc đến Chùa Đạo Nằm để tham quan và hành hương.
Không chỉ nổi tiếng với những thắng cảnh, cù lao Giêng còn là điểm son của Chợ Mới nói riêng, An Giang nói chung khi có nhiều người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này trở nên vang danh non nước như cố bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Văn Hưởng, cố bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ung Văn Khiêm, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Giàu, Giáo sư Tiến sĩ khoa học Nguyễn Ngọc Trân, nhạc sĩ Hoàng Hiệp, nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Ngọc Bạch, nhà văn Lê Thành Chơn,... Là một cù lao bình dị như bao miền quê khác nhưng cù lao Giêng lại có biết bao tên tuổi để người ta phải trân trọng và noi theo.
Ngoài các tác phẩm văn học của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, Chợ Mới quê tôi còn xuất hiện trong các lời ca điệu hát của nhạc sĩ Hoàng Hiệp. Là một người con xa quê những mấy mươi năm, nhưng trong ký ức của nhạc sĩ, hình ảnh quê hương hãy còn đọng mãi. Canh cánh trong lòng nỗi nhớ quê, Hoàng Hiệp đã sáng tác các bài hát về An Giang và Chợ Mới như Về miền thương nhớ, Trở về dòng sông tuổi thơ. Những bài hát với ca từ thân thương, trìu mến đã khiến người con xa quê không khỏi xúc động khi nhớ về nơi quê cha đất tổ của mình: “Người với quê hương nguồn cội, tình đâu dễ nhạt phai!”. Một cách bất chợt, người ta còn nhận ra rằng dòng sông tuổi thơ chính là tác nhân kết nối giữa con người và quê hương đất nước trong câu hát: “Trong tim ai cũng có một dòng sông riêng mình, tim tôi luôn gắn bó với dòng sông tuổi thơ. Con sông tôi tắm mát, con sông tôi đã hát, con sông cho tôi đậm một tình yêu nước non quê nhà”.
Ngoài thế mạnh về nông nghiệp, Chợ Mới còn được biết đến qua các làng nghề thủ công như mộc Chợ Thủ, đóng ghe xuồng Mỹ Hiệp, đan đát Long Giang, vẽ tranh trên kiếng,… Điều đó cho thấy, người dân quê tôi không chỉ biết cần cù với việc đồng áng mà còn biết sáng tạo với đôi bàn tay khéo léo của mình. Sự khéo léo này thể hiện rõ nét trên hình dáng và chất lượng sản phẩm làm ra. Nếu như thời chiến, họ là những anh hùng áo vải vô danh thì ở thời bình, họ là những nông dân, thợ thủ công lành nghề. Những việc mà người dân quê tôi làm đều gắn bó với quê hương xứ sở thân yêu.
Hơn 50 năm, cái chợ quê tôi vẫn được gọi là Chợ Mới. Dòng sông quê tôi vẫn cần mẫn mang nặng phù sa về cho đất và tắm mát tuổi thơ cho biết bao con người. Mảnh đất quê tôi bình dị nhưng mang nhiều dấu ấn sáng ngời về tinh thần yêu nước. Mảnh đất ấy thật xứng đáng khi mang tên vị khai quốc công thần Nguyễn Hữu Cảnh và là nơi xuất thân của những tên tuổi vẻ vang. Tự những ngày xa xưa cho đến ngàn sau nữa, trong tâm trí của những người con xa xứ có lẽ sẽ còn lắng đọng những câu hát mẹ ru thuở nào về một miền quê hương đồng gió nội, miền quê ấy chính là Chợ Mới quê tôi.
“Bao phen quạ
nói với diều
Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm”.
Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm”.
(Nguyễn Ngọc Mỹ
– 28/01/2010)
0 comments:
Post a Comment